Nhật ký cờ mờ 4.0 (phần ba)

(nhấn vào đây để xem toàn bộ nhật ký)

Vài lời phi lộ

Tôi viết là để giải trí. Chẳng có gì quan trọng hơn cười. Nếu có ý tứ gì khác, đó là lỗi thằng đánh máy, nhé!

Đất nước hạnh phúc nhất nhì thế giới, nên dân mình hay cười. Tôi đi học lặn ở Phú Quốc, trong đoàn có một bố người Mỹ, còn lại là người Việt. Ngồi chơi nói chuyện, chúng tôi nói tiếng Việt, bố người Mỹ không tham gia được, mặt đực ra. Một chút sau bố đùng đùng nổi giận (chắc lúc lặn bố bị truyền nước biển nhiều quá?), hỏi tại sao tụi bây cười tao? Hóa ra một vài người cứ lâu lâu lại nhìn bố, không nói gì, chỉ cười cười, rồi quay lại nói chuyện tiếp với nhau. Bố không biết là khi người Việt gặp Tây, chúng tôi tự động cười như đười ươi trong sở thú!

Tôi hay coi chương trình Thách Thức Danh Hài, vì thích Trấn Thành. Tội nghiệp anh Thành. Trời ơi sao mà cái sense of humor của nhiều thí sinh lạ quá. Không biết họ đến từ hành tinh nào, sao chưa về nữa cha mẹ sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm. Đa phần chọc cười bằng thân thể hoặc giới tính của người khác. Nhiều khi tôi thấy ái ngại quá chừng, không hiểu sao họ nghĩ chuyện họ làm mắc cười, mà sao ban tổ chức chọn họ, bộ hết người rồi sao? Một ngày nào đó tôi sẽ về thi!

Không biết chọc cười đã đành, không biết cười còn đáng sợ hơn. Không biết đánh vần học riết rồi cũng sẽ được thôi. Việt Nam đánh Mỹ còn thắng mà, nói chi đánh vần. Nhưng không biết cười khó trị à nha. Muốn biết cười, trước tiên phải biết tự cười. Ngặt nỗi nước mình có quá nhiều thanh niên nghiêm túc, nhất là những thanh niên trong chính phủ. Nhưng khi mà cái quần què gì cũng nghiêm túc thì không có cái quần què gì là nghiêm túc cả. Mọi thứ trở nên giả tạo gượng gạo. Thành ra với tư cách một thanh niên nghiêm túc, tôi tự thấy có trách nhiệm làm cho mọi thứ thiếu nghiêm túc, để những thứ cần được nghiêm túc có cơ hội được nghiêm túc. Câu vừa rồi viết theo công nghệ giáo dục sẽ là tròn tròn vuông vuông tròn vuông tròn vuông tam giác, lập lại ba lần, hiểu không?

Phải cười các bác ạ. Chỉ khi nào biết cười chúng ta mới hiểu được cái gì quan trọng, cái gì là phù phiếm bề ngoài. Khi cười chính phủ, tức là chúng ta đã hiểu chính phủ không đứng trên chúng ta. Họ quản trị cho chúng ta, chứ họ không quản trị chúng ta (they govern for us, rather govern us).

Thành viên chính phủ cũng chỉ là người thôi, không thể là thú được. Nhiều khi đang phát biểu, họ dừng lại, đảo mắt nhìn xung quanh, mặt nghiêm lại một chút rồi nhanh chóng giãn ra. Những lúc như vậy, tôi lại nghĩ thầm trong bụng, lại đánh rắm rồi. Nghiêm trọng hóa, tôn thờ lãnh đạo để mà làm gì, có ai trên cõi đời này thoát khỏi cái vòng luân hồi sinh ra, đánh rắm, rồi chết đâu.

Một quốc gia mà người dân không thể đem lãnh đạo ra làm trò đùa là nơi mà ai cũng bị mất một nửa của quý. Chẳng phải cụ Hồ đã nói, không có gì quý hơn độc lập tự do? Thế nên, hôm nay, tôi ca sĩ-kỹ sư-tú tài-12 năm liền học sinh giỏi-người miền Nam-không có lý luận xin tuyên bố: không có vùng cấm trong chống nghiêm túc!

Ngày 2 - Ốc chuối đậu

Sau buổi sáng gặp ông Chung, buổi trưa cả đoàn đi thăm khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tôi không đăng ký đi. Khác với nhiều người trong đoàn, tôi có nhiều năm làm việc ở Việt Nam, rồi năm nào tôi cũng về, đã gặp gỡ nhiều người và các công ty. Tôi đã gặp Viettel với FPT rồi nhưng không thấy có triển vọng hợp tác.

Ở Google tôi làm an toàn sản phẩm, nhưng FPT có vẻ chỉ giỏi làm gia công phần mềm và tích hợp hệ thống. Bao năm nay vẫn không thấy sản phẩm nào của FPT vươn ra thế giới. Ngân hàng của FPT phải bỏ triệu USD mua phần mềm nước ngoài (1 2). Sản phẩm thành công nhất của FPT có lẽ là VnExpress. Người ôm mộng văn chương như tôi chỉ mong ước một ngày nào đó có tác phẩm đăng trên mục Tâm Sự.

Năm 2014, tôi có đến Viettel nói chuyện một buổi rất lâu với đội security. Tôi có ấn tượng tốt, đội ngũ trẻ, có trình độ, nghe nói họ rút hết ruột của BKAV. Sau đó lãnh đạo của họ ngỏ ý hợp tác, nhưng khi tôi nói ký hợp đồng tư vấn thì họ im ru. Gần đây bạn tôi mở công ty, đem sản phẩm qua chạy thử nghiệm ở Viettel, một thời gian sau thấy Viettel làm sản phẩm tương tự. Họ còn giả bộ gặp vấn đề kỹ thuật, hòng hỏi bạn tôi cách giải quyết các vấn đề này. E hèm, người ngu thường không biết họ ngu nhưng luôn nghĩ rằng ai cũng ngu như họ.

Các công ty Việt Nam muốn ra thế giới thì trước nhất phải đi cùng thế giới. Một trong những lý do Silicon Valley thu hút được nhiều người là các công ty ở đây trả nhiều tiền hơn bất kỳ nơi nào khác, đơn giản thế thôi. FPT không làm được sản phẩm nào ra hồn vì chỉ trả lương chuyên gia 500 triệu/năm (chắc bây giờ đã tăng?), còn thua xa lương thực tập sinh ở Silicon Valley.

Lương bổng chỉ là một chuyện. Quan trọng hơn hết là nghĩ lớn. Các công ty Silicon Valley luôn nhắm đến mục tiêu số một thế giới, bán được sản phẩm cho cả thế giới. Một lý do các công ty Việt Nam không thể trả nhiều tiền là vấn đề mà họ muốn giải quyết không đủ lớn. Khi không mở rộng được thì không có đủ doanh thu để thuê mướn người giỏi, mà không có người giỏi thì lại không mở rộng được. Con gà và quả trứng. Tin vui là tôi biết có công ty ở Việt Nam trả lương cho chuyên gia tầm 150 ngàn đôla/năm. Họ chỉ cần tuyển vài người thôi, ít nhưng chất. Chỉ trong vài năm doanh thu của họ đã ở mức 20 triệu đôla/năm và đang tăng mạnh. Founder ở Mỹ về, nên họ hiểu thế giới làm sao.

Không đi Hòa Lạc nên buổi trưa tôi đi gặp bạn bàn chuyện làm ăn. Làm thì chưa biết đến đâu, nhưng được cái ăn ngon. Ốc chuối đậu, ngon gì đâu. Hình như món gì nấu với mẻ cũng ngon. Từ hồi qua Mỹ theo diện con lai Việt Nam với Việt Cộng, tôi được ăn nhiều món Bắc. Cà bung, bún thang, bún chả, nem cua bể (hồi đầu tôi tưởng là con cua bị bể, sao này mới biết là biển) và đặc biệt là các món sấu. Sấu nấu canh sườn, sườn nấu canh sấu, canh hến nấu sấu, sấu nấu canh hến, bún sườn hầm sấu, sấu hầm sườn bún và đặc biệt là món vịt om sấu, sấu om vịt hai đứa sống hạnh phúc đến cuối đời.

Đi ăn trưa tôi mới hiểu mục đích của sự kiện lần này. Đúng như bạn Steve Nguyễn đã nói trong phần bình luận của bài đầu tiên, mục đích chính là để Vingroup tuyển nhân sự cao cấp. Tôi không biết nhiều về Vingroup, nhưng tôi thấy cách họ tiếp cận, đặt vấn đề khá rõ ràng, bài bản. Vài anh chị em trong đoàn mà tôi biết, những người biết họ đang làm gì và làm những thứ mà Vingroup cần, cũng nói với tôi họ được Vingroup ngỏ ý.

Buổi chiều tôi về khách sạn gặp Huân. Ngồi nói chuyện cả mấy tiếng, mặc dù chỉ mới gặp nhau lần thứ hai. Huân kể chuyện làm PhD ở Mỹ, cuộc sống lên xuống bao nhiêu bận, cuối cùng tìm thấy ý nghĩa cuộc đời bằng cách chế ra một phần mềm điều khiển xe hơi có tên là CrankShaft.

Ngoài Huân ra thì trong chuyến đi này tôi cũng làm quen được với ba chàng ngự lâm tên Huy. Hình như anh có duyên với người tên hờ, em M. nhỉ? Nhưng mấy ổng nói xạo đó, chưa có đêm nào ngủ mà em mơ gặp bác hờ cả các bác ạ.

Huy đầu tiên mở một công ty làm sản phẩm xây dựng hạ tầng và phân tích dữ liệu, đúng thứ mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cần. Bạn này là founder của Grokking Vietnam, một sân chơi cho giới làm phần mềm chuyên nghiệp.

Huy thứ hai là salaryman cho một công ty ở Nhật Bản, cũng là một blogger được nhiều người biết đến trong nhóm cộng đồng làm phần mềm. Bạn này là founder của Kipalog, một nơi để các lập trình viên chia sẻ kiến thức. Tôi đọc được rất nhiều bài hay từ đó.

Huy thứ ba mặc dù chỉ gặp được khoảng 5' thôi nhưng tôi thấy rất bất ngờ. Bạn này quá trẻ, trông như học sinh cấp 3, vậy mà đã có nhiều năm kinh nghiệm làm sản phẩm công nghệ. Tôi nói chuyện với một người chủ một quỹ đầu tư của Mỹ, ảnh nói Việt Nam có rất nhiều người muốn làm startup nhưng rất thiếu người biết làm sản phẩm (product management).

Năng động, hiểu biết, ham học hỏi, biết mình muốn gì và muốn làm thật tốt việc mình đang làm, đây là những người Việt Nam muốn đi cùng với thế giới. Những thanh niên nghiêm túc này rồi sẽ làm được nhiều chuyện hay ho, các bác nhớ theo dõi.

---

Ngày 2 - Gặp Vingroup

Buổi tối tôi diện đồ đến dự buổi tiệc chiêu đãi của Vingroup ở trung tâm hội nghị Almaz. Đi từ khách sạn qua đó mất hơn 1 tiếng, kẹt xe kinh khủng. Tôi đến trễ, nhưng may quá tôi đến nơi thì cuộc họp cũng chỉ mới bắt đầu. Hình thức tổ chức giống như khi gặp ông Chung, nhưng không gian rộng rãi và sang trọng hơn.

Đầu tiên ông bộ trưởng Bộ KHĐT phát biểu khai mạc. Tôi không nhớ nội dung vì tôi quên mang theo giấy bút ghi chép. Thú thật tôi không biết mặt ông Vượng, nên khi thấy có một người có khuôn mặt rất quen ngồi kế ông bộ trưởng, tôi nghĩ chắc đó là ông Vượng. Tôi để ý thấy người đó ngáp ngắn ngáp dài. Sau mới biết đó là giáo sư Trần Văn Thọ, mới về Việt Nam từ Nhật Bản.

Tiếp lời bộ trưởng, ông Vượng nói Vingroup sẽ đầu tư như thế nào để chuyển thành công ty công nghệ và xây dựng Silicon Valley ở Việt Nam. Báo chí đã đăng nhiều rồi nên tôi không nhắc lại ở đây. Ông Vượng nói về tài chính và thành công trong cuộc sống thì ổng và bộ sậu ngồi đây chẳng còn mục tiêu gì nữa, nhưng ổng làm VinTech là để giúp đỡ đất nước. Ông Vượng nói ổng không có mục tiêu chính trị gì cả, mà chỉ muốn thấy Việt Nam phát triển. Thì cũng đúng, nếu có thật nhiều tiền như ông Vượng tôi cũng sẽ về Việt Nam làm cách mạng... bốn chấm không. Phải có chấm mới không vô tù, chứ tôi tham ăn lắm, không thể tuyệt thực đâu.

Bài phát biểu của ông Vượng mang hơi hướm dân tộc chủ nghĩa (nationalism). Chủ nghĩa dân tộc có thể có tác dụng với người Việt, nhưng tôi nghĩ muốn làm Silicon Valley, muốn vươn ra thế giới, phải thu hút được những tài năng không mang dòng máu Việt, vì người Việt không không đủ. Ông Vượng có nhắc là Vingroup hiện tại đã có thuê chuyên gia nước ngoài, trả lương ở mức 1 triệu đô la/năm, nên chắc ổng cũng hiểu chuyện này.

Tiếp theo là tiết mục chuyên gia bấm nút đặt câu hỏi hoặc cho ý kiến, ông Vượng trả lời. Vì ông Vượng không đặt vấn đề cụ thể như ông Chung, nên diễn đàn có rất ít ý kiến chuyên gia mà đa số là xin tiền hoặc bán hàng. Tôi có cảm tưởng đang xem Shark Tank, phiên bản những người không được lên tivi.

Chú tư ung thư tự nhận là giáo sư, làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lại cướp chính quyền giới thiệu sản phẩm phát hiện ung thư sớm giá 5.000 USD/bộ. Trong đoàn có chị Thùy Ngô và anh Thắng Phạm là hai chuyên gia thứ thiệt trong lĩnh vực này. Chị Thùy nói không thể biết được sản phẩm của ông này là sản phẩm gì. Nghe ổng nói lúc thì giống tầm soát nguy cơ ung thư dựa vào gien di truyền (hereditary cancer risk), nhưng một bộ kiểm tra thế giới bán chỉ cỡ 100 USD/bộ (ví dụ như 23andMe BRCA). Nhưng tầm soát nguy cơ dựa vào gien không phải là phát hiện ưng thư sớm (early cancel detection), nhất là sớm 10-20 năm như ổng đã nhận. Chị Thùy cho biết Grail là một công ty startup chuyên về phát hiện ưng thư sớm và đã nhận được hơn 1,5 tỉ USD đầu tư từ Bill Gates và Jeff Bezos mà còn chưa làm ra sản phẩm nào. Chị Thùy cũng đã trực tiếp hỏi ông giáo sư này về công trình nghiên cứu của ổng và ổng nói bí mật, không công bố. Trên đường về tôi may mắn ngồi kế anh Thắng, có hỏi ảnh về tuyên bố này của ông giáo sư, ảnh nói ảnh rất nghi ngờ.

Chị bảy blockchain đến từ Thụy Sĩ hỏi ông Vượng có muốn đầu tư 5 triệu USD, sau 2 năm lời 200% hay không? Tôi không nhớ rõ câu trả lời của ông Vượng, chỉ nhớ đại loại ông Vượng nói xin cảm ơn, nếu dễ ăn vậy đã không đến lượt tôi. Có thể khúc sau là do tôi tự suy ra. Một người gầy dựng tài sản tỉ đô như ông Vượng tài năng ra sao tôi không biết, nhưng chắc chắn không thể ngu. Đầu ổng có sạn, cục nào cục đó phải bự cỡ cái lu. Nghĩ sao mà hỏi một câu xúc phạm mấy cục sạn của ổng dữ vậy trời?

Tôi đề nghị chị bảy với chú tư hợp lại, phát minh ra công cụ phát hiện sớm hiệu ứng Dunning-Kruger bằng công nghệ blockchain, đem qua Viettel chạy thử nghiệm biết đâu họ sẽ đẻ ra thêm một sản phẩm tương tự, coi như lời 200% rồi còn gì.

Không phải ai cũng bán hàng hoặc xin tiền, có một anh Việt Kiều Canada không bán cũng không xin, chỉ kể về cuộc đời của ảnh rằng ảnh từ bỏ cuộc sống giàu sang nhung lụa lạnh chết mẹ ở Canada về Việt Nam thì nhận được hai offer, một cái là đi dạy đại học, một cái là làm gì không nhớ chỉ nhớ ảnh nói là rất nhiều tiền (phải chăng là đếm tiền cho anh Quốc?), nhưng ảnh quyết định chọn đi dạy vì mỗi buổi trưa ảnh đi ăn trưa gặp cô sinh viên chạy bàn ảnh rất buồn rất thương cô sinh viên mỗi ngày chỉ kiếm được có 15 ngàn đồng. Xin hết. Đừng hỏi anh vì sao tình yêu ta úa màu, đừng hỏi anh vì sao câu hỏi này tào lao, vì anh cũng đéo biết tại sao?!!

Cũng có vài ý kiến nghe được. Tôi nhớ có một anh giới thiệu công nghệ in 3D. Anh này là bạn cùng phòng của bạn tôi, nghe bạn tôi kể ảnh nói công nghệ in 3D bây giờ có độ chính xác tốt hơn công nghệ sản xuất truyền thống, in những chi tiết cực nhỏ rất chính xác. Sau khi nghe anh này phát biểu, tôi nghe nói bên VinFast đã liên hệ ngay với ảnh. Một ý kiến thú vị mà tôi không nhớ nghe từ đâu, đó là công nghệ in 3D nếu thành công sẽ gây ra thiệt hại cực kỳ to lớn cho Việt Nam. Thử tưởng tượng nếu chỉ cần bỏ nguyên liệu vào là in ra luôn giày dép, quần áo, nón mũ, v.v. các công ty đầu cần thuê mướn hàng triệu công nhân Việt Nam nữa. Công nhân rảnh, không biết làm gì, họ làm cách mạng đấy.

Phần tiếp theo là tiệc. Họ tổ chức khá trang trọng. Tôi chẳng nhớ ăn gì, chắc đồ ăn cũng không mấy ấn tượng. Phần ca nhạc bạn tôi rất thích vì toàn là ca sĩ gạo cội của dòng nhạc đỏ. Tôi thì thấy bình thường vì tôi chỉ thích bolero. Ông Vượng đãi rượu Tây nghe nói rất quý, 1000 đô/chai, mua không có, còn sót lại từ dịp kỷ niệm 25 năm Vingroup.

Nửa chừng, tắt nhạc, tiếp tục hỏi đáp. Tôi có hỏi một câu, bây giờ nghĩ lại thấy cũng tào lao nên thôi không nhắc đến ở đây. Tôi chỉ nhớ ai hỏi gì đó mà ông Vượng nói rằng bỏ nhà lên chiến khu bao nhiêu năm nay nhưng thú thật cho đến giờ ông cũng không biết cách mạng 4.0 là cái gì. Cả đám cười rần rần, tôi liếc nhìn thấy ông thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy gật gù. Chắc ổng say rượu ngàn đô rồi, chứ đảng viên mà gật gù kiểu này dám mắc phải tội "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ" lắm nha.

Tiệc tàn lúc 10h đêm. Tôi thấy ngạc nhiên ông tỉ phú ở lại đến phút cuối cùng, dành nguyên đêm để tiếp một đám người không quen biết. Còn nghe nói ổng đá banh bị đứa nào đá cho què giò, mới hết được mấy bữa (không biết ổng đá cho đội nào ở V-League?) Không biết ổng có làm được gì không, làm công nghệ khác xa với xây nhà bán, nhưng tôi thấy được sự nghiêm túc và quyết tâm của ông già gân này.

Trên đường về, như đã nói ở trên, tôi may mắn ngồi cạnh anh Thắng Phạm. Câu hỏi yêu thích của tôi dành cho những người làm khác ngành là, ngành này vấn đề khó nhất là gì? Anh Thắng giải thích rất tỉ mỉ cho tôi cách gien hoạt động như thế nào, ung thư xảy ra làm sao và triển vọng sử dụng khoa học dữ liệu và AI để phát hiện ưng thư sớm. Vấn đề lớn nhất, nếu tôi nhớ không lầm, là thiếu dữ liệu và khi có dữ liệu rồi thì thiếu hạ tầng để xử lý và phân tích (vì dữ liệu gien rất lớn, tính bằng terabyte).

Thiếu dữ liệu chủ yếu vì người ta sợ riêng tư bị xâm phạm. Gien chứa rất nhiều thông tin nhạy cảm. Tôi hỏi, nếu vậy mình lấy gien của người bị bệnh chết rồi được không? Anh Thắng nói chưa chắc, vì gien còn liên quan đến con của họ nữa. Bố mẹ đồng ý cho, nhưng con không muốn cho thì cũng không lấy được. Đây là một lợi thế có thể giúp Trung Quốc tiến xa và nhanh hơn các nước phương Tây, vì họ chẳng phải lo lắng về đạo đức hay pháp luật. Việt Nam nên đi theo con đường nào? Tôi hi vọng những người như anh Thắng, chị Thùy sẽ giúp Việt Nam trả lời câu hỏi này.

Đêm đó không có bán hình nữa, mà ban tổ chức phát tiền vé máy bay. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc cùng với chính phủ của họ đang ráo riết thôn tính thế giới, còn những người được xem là tinh hoa công nghệ của Việt Nam trong lúc ngồi chờ phát tiền tranh thủ uống hết một chai rượu, xin (hay chôm) từ buổi tiệc với Vingroup. Tự dưng tôi nhớ đến cảnh những người công nhân bốc vác ngồi tụ năm tụ ba quýnh (đọc là cờ-uýnh) bài uống rượu chờ phát lương thường gặp ở trước các xí nghiệp gần nhà. Thiệt là cám cảnh con nhà nghèo.

"Cái ngày mà chúng ta sử dụng Baidu là cái ngày chúng ta sẽ chết", nghe cha nội Quốc nói và nhìn cảnh này, sao qua thấy bi quan quá những người anh em thiện lành ơi...

(còn tiếp)

Post a Comment

Previous Post Next Post

Labels Max-Results No.

Boxed(True/False)