Hà Nội: Ngôi trường không có lớp trưởng, “tranh cử” ban đại diện như tranh cử Tổng thống


“Tôi là ai, vì sao tôi muốn tranh cử và nếu thắng cử tôi sẽ làm gì?” là nội dung bài diễn thuyết cho chiến dịch “tranh cử” vị trí đại diện học sinh của một số trường hiện nay.

Lớp trưởng không phải “người giúp việc” của cô

Một mùa tựu trường lại về, bên cạnh lễ khai giảng, họp phụ huynh thì cuộc họp bàn tổ chức của lớp luôn gây sự háo hức với học sinh.
Việc lựa chọn lớp trưởng trong môi trường giáo dục rất quan trọng bởi đó chính là vị trí để rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức cho học sinh. Hiện nay, nhiều trường học đã “hô biến” những nghi thức nhàm chán như lựa chọn lớp trưởng theo kiểu giáo viên chỉ định thành hình thức bầu cử mang tính dân chủ.
TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ: “Lớp trưởng không phải là chức vụ mà là vị trí hoàn hảo để rèn luyện kĩ năng tổ chức, thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện nhân cách. Bất kì học sinh nào cũng xứng đáng được thử sức.
Như ở trường tôi bây giờ, vị trí đó phải do bầu cử. Hơn nữa cũng không thể làm triền miên nhiều nhiệm kì vì như thế dễ biến học sinh thành “tay chân”, người giúp việc của cô giáo chứ không còn là đại diện, phát ngôn viên cho học sinh nữa. Mỗi tháng sẽ luân phiên đổi lớp trưởng một lần để bất cứ ai cũng được trải nghiệm”.

Ngôi trường không có lớp trưởng

Trong thời đi học của mỗi người, có lẽ lớp trưởng chính xác là “con nhà người ta” mà nhiều bậc cha mẹ tham chiếu. Thế nhưng, cũng không ít lớp trưởng là "quan lớn” nhiễu điều, kênh kiệu. Chính vì lẽ đó, hiện nay, nhiều trường học đổi mới hình thức, thậm chí không có vị trí gọi là lớp trưởng.
Cô Bùi Trà My - giáo viên phụ trách hoạt động học sinh khối cấp 3, trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) cho biết: "Ở trường tôi hiện nay không có lớp trưởng mà chỉ có ban đại diện học sinh của khối và của trường. Hệ thống tiểu học, THCS thì mỗi lớp có nhóm “những người giúp đỡ” chứ không có lớp trưởng. Nhóm người giúp đỡ này không cố định, và sẽ đăng ký đảm nhiệm công việc chung của lớp theo tháng hoặc theo tuần”.
Ở THPT, đại diện cho học sinh, có vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký, Trưởng ban Sự kiện, Trưởng ban Truyền thông và Trưởng ban Tài chính.
Muốn ứng cử vào những vị trí này các em sẽ phải trải qua chiến dịch tranh cử bắt đầu ngay sau lễ khai giảng với đầy đủ các hoạt động như vận động hành lang hay phản biện trực tiếp như tranh cử Tổng thống.
Vòng 1 là diễn thuyết nói về bản thân mình trong vòng 1 phút. Các em sẽ giải quyết cơ bản “tôi là ai, vì sao tôi muốn ứng cử, vì sao mọi người nên bầu chọn cho tôi và nếu trúng cử tôi sẽ làm gì?”.
Vòng 2 học sinh sẽ công bố kế hoạch đề xuất những việc sẽ làm sau khi trúng cử. Vòng này sẽ thể hiện qua hình thức poster hoặc video.
Vòng cuối cùng là vòng phản biện, nhận câu hỏi từ các thành viên trong trường. Ở vòng này sẽ bỏ phiếu bầu chọn trực tiếp.
Trước đó có vòng bình chọn online, học sinh có thể thoải mái chia sẻ trên các trang mạng xã hội, kêu gọi ủng hộ. Những bạn thắng trong vòng bình chọn online có ưu thế được chọn là người hỏi hoặc người trả lời trong vòng phản biện cuối cùng.
Cô Trà My chia sẻ qua nhiều mùa tranh cử, cô vẫn không thể quên được bài phát biểu đầy cảm xúc của cô học trò nhỏ Thu Yến cách đây 2 năm.
Cô nói: “Em học sinh đã dùng chính cái tên Thu Yến của mình – như hình ảnh con chim yến bay qua những trở ngại trập trùng vách núi để làm tổ, cũng là cách mà em đã vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Thông điệp ấn tượng và truyền cảm hứng. Năm đó, em trúng cử”.
THẢO ANH
https://laodong.vn/giao-duc/ha-noi-ngoi-truong-khong-co-lop-truong-tranh-cu-ban-dai-dien-nhu-tranh-cu-tong-thong-628921.ldo

loading...

Post a Comment

Previous Post Next Post

Labels Max-Results No.

Boxed(True/False)