Sẽ thực hiện từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành đào tạo, bồi dưỡng giáo viên từ năm 2018 đến năm 2023. Cụ thể, Bộ sẽ:
- Bồi dưỡng giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình môn học theo từng cấp học, được thực hiện cùng với lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Việc bồi dưỡng được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến.
- Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về sách giáo khoa mới. Công việc này có trách nhiệm phối hợp giữa ngành giáo dục và nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn sử dụng.
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ 360 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 giáo viên và 4.000 cán bộ quản lý phổ thông cốt cán và tất cả cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên phạm vi cả nước.
- Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về một số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát triển chương trình nhà trường... Nội dung này, Bộ Giáo dục đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán phổ thông từ năm 2014, các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động cập nhật, bổ sung nội dung bồi dưỡng và phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo để bồi dưỡng cho giáo viên đối với những địa phương có nhu cầu.
Cấp mầm non và tiểu học thiếu nhiều giáo viên nhất cho năm học mới, lần lượt là hơn 43.700 và gần 19.000.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến tháng 8 cả nước thiếu 75.970 giáo viên các cấp so với định mức giáo viên/lớp theo quy định. Mầm non cần bổ sung nhiều giáo viên nhất với 43.730; bậc tiểu học là 18.950.
Cấp THCS thiếu cục bộ 10.140 giáo viên ở một số địa phương nhưng cả nước lại thừa 12.165 người. Số giáo viên còn thiếu của THPT là 3.160.
Bất cập trong phân cấp tuyển dụng, sử dụng giáo viên
Lý giải nguyên nhân xảy ra thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, cơ quan chuyên môn là Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng, không thể chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) hiện nay thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ. Tuy nhiên, những đơn vị này chưa giám sát thường xuyên công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên. Cùng với đó, việc xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả nên bị động trong bố trí số lượng người dạy, gây thừa thiếu cục bộ.
Một lý do quan trọng khác dẫn đến bất cập trong bố trí nhân sự ngành giáo dục, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ là sự dồn dịch, cơ cấu lại các trường, tăng dân số cơ học tại trung tâm thành phố lớn, khu công nghiệp. Ở bậc học mầm non, số lượng trẻ đến trường tăng cao và nhanh khiến số giáo viên dù tăng vẫn không đáp ứng kịp.
"Thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, một số địa phương đã giảm tổng biên chế ngành giáo dục. Biên chế cho cấp học mầm non dù thiếu nhưng do số lượng giáo viên các cấp trên đặc biệt là THCS và THPT thừa, nên không còn chỉ tiêu tuyển thêm", ông Độ nói.
Điều tiết giáo viên từ trường thừa sang thiếu
Giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên ở một số địa phương, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, lớp học có số lượng học sinh không đủ định mức. Trên cơ sở đó, ngành chức năng sẽ điều tiết giáo viên từ trường thừa sang trường/lớp thiếu nhân sự.
Sau khi được Thủ tướng giao nhiệm vụ, Bộ Giáo dục đã phối hợp với đơn vị chủ trì là Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học. Hai Bộ đã thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh thành rà soát biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục; tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn năm 2015-2018.
"Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổng hợp nhu cầu về giáo viên cần tăng thêm của tỉnh sau khi đã tự điều chỉnh, cân đối trong tổng số người làm việc của địa phương nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục sẽ thống nhất phương án trình Thủ tướng quyết định để giải quyết những khó khăn, bảo đảm không xảy ra tình trạng có trường lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy", ông Độ nói.
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2018-2019, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo các địa phương sắp xếp, bố trí lại việc sử dụng đội ngũ giáo viên, trên cơ sở rà soát hiện trạng đội ngũ của từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục. Về phía mình, Bộ đã điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm sát với nhu cầu sử dụng.
"Đến nay, các địa phương đang tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ và tổ chức các khóa bồi dưỡng hè về chính trị, phương pháp, nghiệp vụ dạy học cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các cấp", Thứ trưởng Giáo dục nói. Từ năm học này, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các chuẩn/tiêu chuẩn mới được ban hành để có được bức tranh tổng thể về chất lượng đội ngũ. Đây sẽ là căn cứ thực tiễn để Bộ đưa ra những chỉ đạo và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân sự ngành.
loading...