Mấy bữa trước một người bạn gửi tin có mấy bạn sinh viên từ Việt Nam được các hãng công nghệ lớn nhận làm nhân viên chính thức, lương 6 chữ số, tức là từ 100 ngàn đô la/năm, khoảng hơn 2 tỉ đồng/năm (nói 200 chai nghe hay, nhưng sao nói 2.000 chai nghe kỳ quá, giống như là giá nước ngọt!).
Đây là mức lương hợp lý và xứng đáng với khả năng của một sinh viên mới ra trường [1]. Tôi không biết con số cụ thể, nhưng tôi đoán tổng thu nhập, kể cả thưởng và cổ phiếu, sẽ ở mức 120-160 ngàn/năm. Một người có vài năm kinh nghiệm, có vài offer cùng một lúc từ hai ba công ty, có thể được nhận gấp đôi, thậm chí gấp ba gấp bốn. Lưu ý đây là thu nhập trước thuế, tùy hoàn cảnh mỗi người, thuế sẽ dao động từ 15%-35%.
Đi làm chừng 10 năm, ăn xài bình thường, còn dư nhiêu tiền bỏ tiết kiệm, mua index fund, trở thành triệu phú đô la là điều không thể tránh khỏi. Nếu làm tốt, có thể rút ngắn một vài năm. Thử tưởng tượng, tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, đi làm 8 năm, 30 tuổi ôm 1 triệu đô la về Việt Nam, nghỉ hưu luôn, sướng không?
Tôi nói về những chuyện này vì tôi thấy kỹ sư máy tính ở Việt Nam có thu nhập quá bèo, trung bình tầm 30 ngàn/năm, tức khoảng 700 chai/năm. Lưu ý con số 700 chai/năm chỉ ngang với đi thực tập 3 tháng ở Google, nhưng vẫn cao hơn thu nhập tối thiểu 500 chai/năm mà FPT trả cho chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn.
Nếu bạn đang làm lập trình viên, tiếng Anh khá, tại sao không tìm cơ hội ở các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới? Quên Viettel, FPT, VNG đi. Nhắm vô Uber, Airbnb, Facebook, Google, Apple, Microsoft. Có rất rất nhiều lựa chọn, nếu muốn làm công ty nhỏ cũng không thiếu! Quên Sài Gòn hay Hà Nội đi. Quên luôn Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Hãy nghĩ về Silicon Valley và San Francisco.
Đã có người đi trước rồi, chứng tỏ là làm được, chỉ cần cố gắng và một chút máy mắn. Chúc thành công!
[1] Ý tôi đây là mức lương mà các công ty ở Silicon Valley trả cho sinh viên mới ra trường. Mức này rất cao so với mặt bằng chung của xã hội, kể cả ở Mỹ. Bất bình đẳng thu nhập là một vấn đề lớn, nằm ngoài chủ đề của bài này.