Làm giàu thụ động

Tôi không hiểu sao người ta có thể viết hàng đống sách về làm giàu (chắc bán sách để... làm giàu!), trong khi nguyên tắc làm giàu rất đơn giản: xài ít hơn số tiền làm ra và đầu tư phần còn lại (viết cách đây 6 năm! có vẻ như càng lúc tôi càng ngu, thật đáng báo động, ò í e).

Làm sao để xài ít tiền hơn? Chỉ mua những gì mình cần, hạn chế mua những gì mình muốn. Mỗi khi muốn mua cái gì, ngủ một giấc dậy rồi hãy quyết định. Nhìn vào các khoản chi hàng tháng, cái gì không cần thiết, bỏ. Tôi làm công nghệ, nhưng không thể được xem là người yêu công nghệ. Người yêu công nghệ là người khoái mua đồ công nghệ. Điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, laptop MacBook Pro, đồng hồ iWatch, máy chụp hình Canon, v.v. phải mua, mua hết, vì em là người yêu công nghệ mà! Không biết anh Công Nghệ là ai mà có nhiều người yêu quá. Hay là anh thất lạc của Công Phượng?

Ít người sạc nghiệp vì ăn uống mua sắm quá nhiều, nhưng nhiều người phải phá sản vì tai nạn, bệnh tật, v.v. Mua bảo hiểm, nhà cửa, xe cộ, sinh mạng, sức khỏe, v.v. cho mình và cho những người mình phải chịu trách nhiệm. Để dành ra một khoản tiền dự phòng đủ để chi tiêu từ 3-6 tháng, bỏ vô một tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn, để khi trái gió trở trời có mà xài, khỏi phải vay mượn ai cả.

Làm sao để tăng thu nhập? Làm việc chăm chỉ hơn. Ví dụ như nhận làm hai việc một lúc. Nhưng rõ ràng không ai thích như vậy; ai cũng muốn mình có nhiều tiền hơn mà không phải làm nhiều hơn.

Nếu cứ phải nay lưng ra làm mới có tiền thì có tiền tỉ cũng chẳng sướng. Nếu có đủ tiền, chẳng ai muốn đi làm cả. Có lần tôi hỏi một người bạn, một hacker lừng lẫy thế giới, tại sao hắn lại làm ở Google lâu thế. Hắn nói, nếu có đủ tiền hắn nghỉ ngay. Tôi đoán hắn cũng phải có triệu đô chứ chẳng ít, nhưng có lẽ hắn cần thêm nữa để lo cho con cái. Công việc mỗi ngày không đến nỗi chán, nhưng với từng đó thời gian có nhiều thứ thú vị hơn để làm, để chơi.

Thay vì hỏi làm sao để tăng thu nhập, câu hỏi chính xác phải là: làm sao để tăng thu nhập thụ động? Nghĩa là không cần làm gì mà vẫn có thêm tiền. Bạn có biết tại sao ông chủ của bạn giàu ơi là giàu không? Vì lúc ổng đi chơi, vẫn có người kiếm tiền cho ổng, người đó chính là bạn. Chào mừng đến với chủ nghĩa tư bản.

Người ta nói đi làm mướn biết bao giờ mới khá được, phải làm chủ. Tôi nghĩ nhiều người muốn làm startup một phần là vì lý do này, nhưng tôi thấy nó trớt quớt. Làm startup cực như chó, có sướng gì đâu. Đồng ý là có thể chỉ cực lúc đầu thôi, thành công rồi thì sướng, nhưng mấy ai được như vậy. Có cách nào để vừa tăng tỉ lệ thành công, vừa giảm cực khổ không? Có, tôi mới nói tức thì: thay vì tự làm thì mướn người khác làm. Làm startup, tưởng là làm chủ, nhưng đôi khi cũng chỉ là làm mướn cho bọn đầu tư. Nếu mình có tiền chút ít, sao không đầu tư cho khỏe cái thân, nhàn cái đầu.

Nhưng như vậy thì còn gì là tinh thần startup nữa? Bạn có biết ai viết mấy cuốn sách nói về tinh thần startup không? Chính là bọn đầu tư. Họ cần người làm cho họ. Nếu bạn không thể cưỡng lại nổi khát vọng tự làm sản phẩm để bán, hãy mở công ty của riêng bạn. Nhưng đừng đặt mục tiêu là trở thành Facebook hay Google kế tiếp, mệt lắm. Đặt mục tiêu đơn giản thôi: độc lập tài chính. Công ty không cần phải thành tỉ đô, mà chỉ cần doanh thu mỗi năm 2 triệu, lời 300 ngàn - 500 ngàn là đủ sức sống như ông hoàng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Nếu như bạn chỉ muốn sớm độc lập tài chính, không cần quan tâm là bằng cách nào, miễn sao lương thiện, hợp pháp, thay vì mở công ty thì hãy đầu tư. Nhân nói chuyện đầu tư tôi mới nhớ đến các "chuyên gia công nghệ", chuyên phân tích tình hình startup và công nghệ thế giới. Nghe mấy ổng bàn mà tôi rởn da gà, lo cho tương lai của mình. "Facebook sẽ phải thế này thế này", nếu không thì "YouTube sẽ chết vì thế này thế này", cũng có thể "Apple sẽ thắng vì thế này thế này", nhưng mà "Google sẽ thua vì thế này thế này", v.v. Hóa ra không chỉ có mình tôi ăn cơm với muối nhưng lại thích nói chuyện trên núi. Người Mỹ có câu "put your money where your mouth is", nếu tin vào phân tích của mình, sao không bỏ tiền ra mua stock nhanh và luôn? Warren Buffet không xây dựng uy tín bằng cái mồm.

Đầu tư cũng có năm bảy đường. Nguyên tắc cơ bản là rủi ro càng cao thì lợi nhuận kỳ vọng càng phải lớn tương xứng. Nhưng mà cũng có dạng đầu tư có lợi nhuận kỳ vọng âm, nghĩa là càng đầu tư càng lỗ, chẳng hạn như chơi đề với mua xổ số. Đề thì khỏi phải nói, còn xổ số chính là cách chính quyền đánh thuế người nghèo và ít học. Người nghèo mua xổ số để mơ thoát nghèo, mỗi ngày bỏ ra tôi nói thí dụ 10.000 đồng để mua. Giả sử như mua liên tục trong 20 năm, tổng số tiền bị đánh thuế, tính lãi suất tương đối nhẹ là 5%/năm, là gần 130 triệu đồng. Nếu lãi suất trung bình 10% như mấy năm vừa rồi, số tiền đóng thuế là 230 triệu đồng. Thành ra một cách đơn giản để giảm khoảng cách giàu nghèo là bỏ đi chương trình xổ số quốc gia.

Cũng may là đa số hình thức đầu tư khác đều có lợi nhuận kỳ vọng dương. Để chọn hình thức đầu tư, phải trả lời được câu hỏi: đầu tư để làm gì? Hồi nãy nói rồi: đầu tư để độc lập tài chính. Đó là một mục tiêu dài hạn, may mắn thì có thể hoàn thành trong 10 năm, không thì phải 30 năm. Đoạn đường đi đến mục tiêu cuối cùng này sẽ có những mục tiêu ngắn hạn hơn, ví dụ như đủ tiền mua nhà, mua xe, làm đám cưới, đi du học, v.v. Biết được mục tiêu của mình là biết được mình muốn có X đồng trong Y năm, rồi từ X và Y suy ra nên chọn loại hình đầu tư nào.

Loại hình đầu tư đơn giản nhất là bỏ tiền vô ngân hàng. Rủi ro thấp (nếu không gửi nhầm cho Nguyễn Văn Mười Hai), nên lợi nhuận cũng thấp. Lợi nhuận này phải trừ trượt giá. Ví dụ như mấy năm vừa rồi, lãi suất ngân hàng Việt Nam rất cao, nhưng mà lạm phát cũng cao, thành ra gửi tiền vô ngân hàng không có lời bao nhiêu cả, có khi lỗ mà không biết. Đó cũng là định lý cơ bản của tiền tệ: tiền để một chỗ sẽ mất giá theo đúng mức lạm phát.

Loại hình đầu tư nhiều người ưa thích và khá an toàn là mua bất động sản. Đất càng lúc càng chật, người càng lúc càng đông, nhà cửa về dài hạn sẽ chỉ đi lên. Cái khó của loại hình đầu tư này là phải có vốn mạnh, sinh viên mới ra trường không có cửa, trừ sinh viên ngành đào mỏ.

Đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng là một hình thức phổ biến. Một cách đơn giản nhất, đỡ phải suy nghĩ, đúng theo tinh thần tăng thu nhập thụ động, là đầu tư vô index funds. Đây là một hình thức đầu tư vô nền kinh tế. Kinh tế Mỹ có thể sẽ lao đao trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ đi lên. Kinh tế thế giới cũng vậy. Đầu tư vô nền kinh tế sẽ có lợi nhuận kỳ vọng mỗi năm thấp, nhưng đây là hình thức đầu tư ít rủi ro nên phải chấp nhận như vậy.

Chứng khoán cũng có nhiều loại, mỗi loại có độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng khác nhau. Ví dụ như cổ phiếu (stock) của các công ty Mỹ có rủi ro cao, nhưng cũng có lợi nhuận kỳ vọng cao. Trái phiếu chính phủ (bond) thì ngược lại, rủi ro thấp, nhưng lợi nhuận cũng thấp. Thông thường cổ phiếu tăng giá thì bond giảm giá, nên trộn hai loại chứng khoán này lại với nhau là một cách để làm giảm rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ví dụ như còn trẻ trâu, muốn lời nhiều, chơi hết cổ phiếu. Già đi một chút, muốn chậm nhưng chắc cú, mua nhiều trái phiếu hơn. Ở Mỹ có những công ty chuyên giúp người dùng tự điều chỉnh lại danh mục đầu tư theo độ tuổi của mình, ví dụ như Wealthfront hay Betterment. Không biết ở Việt Nam có công ty nào như vậy không.

Chứng khoán, bất động sản, tài khoản tiết kiệm, v.v. gọi chung là tài sản. Mỗi loại tài sản có một độ rủi ro khác nhau, được đo bằng khả năng biến động giá trị của chúng. Nếu bạn mở một tài khoản tiết kiệm kỳ hạng một năm, sau một năm bạn có thể đoán được bạn sẽ có bao nhiêu tiền. Nói cách khác, tài khoản tiết kiệm là một loại tài sản có biến động, tức rủi ro, thấp. Ngược lại, nếu bạn mua một căn nhà, rất khó để đoán được một năm sau giá nhà sẽ như thế nào, do bất động sản thường có độ biến động rất cao. Một vấn đề nữa là tính thanh khoản, nghĩa là khả năng chuyển tài sản thành tiền mặt. Tiền mặt đương nhiên là có thanh khoản cao nhất, nhưng bất động sản có thanh khoản cực thấp, vì bán một căn nhà sẽ mất nhiều thời gian. Nếu trong thời gian ngắn bạn dự tính sẽ cần phải sử dụng tiền mặt (để đi du học, để mua xe, v.v.) thì không nên đầu tư mua nhà.

Bảng dưới đây tóm tắt các tài sản phổ biến và các thuộc tính của chúng mà tôi chôm được từ Internet.

Tài sản
Thời gian
Lợi nhuận kỳ vọng
Độ biến động/Rủi ro
Thanh khoản
Tiền mặt
Rất ngắn hạn
Không, có thể âm vì lạm phát
Rất thấp
Cao
Tài khoản thanh toán hoặc tiết kiệm không kỳ hạn
Ngắn hạn, nên dùng để giữ quỹ khẩn cấp
Rất thấp
Rất thấp
Cao
Tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn
Ngắn hạn và trung hạn, nên dùng để giữ quỹ khẩn cấp
Thấp
Thấp
Tùy thuộc vào sản phẩm
Index Funds/Mutual Funds
Ngắn hạn và dài hạn
Thấp hoặc cao
Thấp hoặc cao
Tùy thuộc vào sản phẩm
Cổ phiếu riêng lẻ
Dài hạn
Cao
Cao
Thấp đến cao
Bất động sản
Dài hạn
Cao
Cao
Thấp

Tóm lại:
- Không giữ tiền mặt quá lâu. Phải chuyển tiền mặt thành các tài sản khác.
- Lập ra một quỹ dự phòng, bỏ vô tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn.
- Hỏi mình muốn gì và đầu tư để đạt được mục tiêu đó. Đầu tư dài hạn an toàn hơn ngắn hạn và là cách tốt nhất để kiếm tiền thụ động.

Làm giàu cách này không khó, nhưng khá là tẻ nhạt. Nó không thú vị, sôi động, lên voi xuống chó, cực nhọc như là làm startup hoặc là đầu cơ vàng, đô la hay bất động sản. Nó cứ đều đều, tài sản sẽ tăng dần dần, chậm nhưng chắc, tẻ nhạt nhưng hiệu quả. Trừ khi mục tiêu cả đời là kiếm được thật nhiều tiền, làm giàu thụ động kiểu này sẽ cho mình thời gian làm được những chuyện khác mà mình nghĩ là quan trọng hơn kiếm tiền. Ví dụ như viết blog chửi chính phủ hay là dạy đời thiên hạ hihi.

Post a Comment

Previous Post Next Post

Labels Max-Results No.

Boxed(True/False)