Thư ngỏ gửi nhà báo Thùy Trang và ban biên tập báo Tuổi Trẻ

(Nếu bạn chưa đọc bài báo Cô giáo bốn lần đi xin lỗi học trò hãy đọc nó. Tôi sẽ chờ.)

Tôi vừa đọc bài báo Cô giáo bốn lần đi xin lỗi học trò, thấy trống ngực đập liên hồi và có vài lời muốn chia sẻ với nhà báo Thùy Trang và ban biên tập báo Tuổi Trẻ.

Nhà báo xây dựng hình ảnh một đứa học trò ngỗ ngược, đáng bị đánh sưng miệng, lỗi của cô giáo chỉ là hơi "quá tay", nhưng mà cô giáo đã biết lỗi rồi mà, sao mà gia đình vẫn làm khó dễ. Tôi thấy buồn cười vì toàn bộ bài báo là một câu chuyện một chiều, trong đó nạn nhân là người có lỗi lớn nhất. Giống như là tòa xử án, nhưng chỉ hỏi và tin toàn bộ những gì nghi phạm nói!

(Tự ý đục bỏ: khi người ta xử ông Cù Huy Hà Vũ, đài VTV cũng làm một phóng sự phỏng vấn những người hàng xóm của ông Vũ, trong đó có đoạn "tôi thấy [Cù Huy Hà Vũ]... quan hệ với họ hàng, gia tộc, nhất là quan hệ với anh em không tốt... Ông Cù Huy Cận cũng nhiều lần nói là tôi sinh ra thằng con bất trung bất nghĩa bất hiếu". Đọc giống bài báo này không, dẫu so sánh này rất là nực cười?)

Nếu cô giáo thật sự biết lỗi đã không có bài báo này. Bài báo là một bằng chứng cho thấy cô giáo chẳng biết lỗi gì cả và mà còn là hạng người không có lòng tự trọng - nhận lỗi cho xong, nhưng kỳ thực chẳng thấy hối lỗi gì cả. Người biết lỗi chẳng bao giờ đi đổ thừa nạn nhân (thằng nhóc quậy lắm, bị đánh là đáng!), đổ thừa hoàn cảnh (hơi nóng tính và nhà có con nhỏ bị bệnh bại não, thông cảm!) và đem toàn bộ câu chuyện lên mặt báo để thiên hạ hùa vào chửi học trò và gia đình của nó, sau khi, nhấn mạnh là sau khi, "toàn bộ vụ việc đã được khép lại" và cô giáo vẫn tiếp tục đi dạy.

Gia đình nói gì? Nhà báo, thể hiện sự khách quan của mình, cho gia đình nói đúng có một câu, nhưng đây cũng là câu hay nhất của bài báo: “lỡ con tui có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm, tui cho con đi học chứ không phải để cô đánh”. Nhiệm vụ của cô giáo là dạy dỗ, chứ không phải đánh người, muốn đánh người mà còn được thưởng tiền cô giáo nên đi đánh võ đài. Người ta nói thanh niên bây giờ hung hăng quá, chính là vì đây nè! Cô giáo phản ứng lại với chuyện học trò đánh nhau bằng cách đánh học trò. Dạy cách ứng xử với bạo lực bằng chính bạo lực. Thử hỏi học trò học được gì từ những cô giáo như thế này?

Mà chuyện gia đình lo lắng "lỡ con tui có chuyện gì" có cơ sở không? Miệng sưng thì đã thấy, nhưng cái chính là ảnh hưởng về tâm sinh lý thì chưa ai biết sẽ thế nào. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng "thương cho roi cho vọt" là một cách dạy con nít chẳng có tác dụng gì mà còn đem đến rất nhiều tác hại lâu dài:

* Đánh con nít chẳng có tác dụng gì trong việc dạy dỗ, mà có khi lại đem đến tác dụng ngược: http://www.apa.org/monitor/2012/04/spanking.aspx.

* Đánh con nít làm cho bọn chúng trở nên hung hãn và dễ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề hơn: http://tulane.edu/news/releases/pr_03122010.cfm hay http://www.apa.org/monitor/2012/04/spanking.aspx.

* Đánh con nít làm thay đổi não bộ của chúng, khiến chúng suy nhược, nghiện hút và các chứng rối loạn thần kinh khác: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2896871/, http://pediatrics.aappublications.org/content/130/2/184.full, http://www.huffingtonpost.ca/2012/02/06/children-physical-punishment-study_n_1258351.html.

Việc gia đình yêu cầu cô giáo phải nghỉ việc không chỉ bảo vệ cho con của họ mà còn bảo vệ cho rất nhiều đứa học trò khác, chẳng may học phải cô giáo có dòng dõi Mike Tyson này. Rốt cuộc cô giáo phải trả một cái giá "quá đắt" là... bị cảnh cáo và vẫn tiếp tục được đi dạy, còn nhà báo kết luận rằng vì gia đình muốn làm lớn chuyện nên bây giờ con của họ đã, đang và sẽ bị bạo hành khi đến trường: nó sẽ bị cô lập, bạn bè không chơi chung và các cô giáo khác chẳng muốn dạy nó nữa! Tôi không dám chắc, nhưng tôi có cảm giác nhà báo hả hê lắm, theo kiểu "đáng đời, ai biểu nhà mày không biết điều".

Dẫu có hả hê hay không, nhà báo không thấy cách làm của nhà trường là sai hay sao? Từ chỗ để cô giáo đánh học trò, bây giờ nhà trường quay sang bỏ mặc học trò và còn khuyến khích các học sinh khác cô lập. Trách nhiệm của người lớn đâu rồi? Đây cũng chính là câu hỏi của gia đình. Người ta gửi con đi học, chứ không phải gửi con để bị bạo hành về thể xác đã rồi bị tiếp tục bạo hành về tinh thần. Tại sao nhà báo lại tiếp tay cho nhà trường?

Nhà báo rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần của cô giáo. Theo lời cô giáo kể, từ ngày sự việc xảy ra đến nay, cô không một ngày yên giấc, luôn lo sợ ngày kế tiếp có phải họp hay phải làm tường trình nữa hay không. Mỗi giờ lên lớp cô đều mang sự mặc cảm, e dè, nghi ngại đối với học trò, phụ huynh. Vậy mà nhà báo chẳng đả động gì đến nạn nhân, cũng là nhân vật chính của toàn bộ câu chuyện này: thằng nhỏ học trò.

Thằng nhỏ học trò cần được bảo vệ. Vì sao? Vì nó còn nhỏ! Một xã hội không thể phát triển được nếu không dành rất nhiều nguồc lực bảo vệ trẻ con, những thành viên chưa thể tự bảo vệ bản thân được. Cô giáo có thể tự bảo vệ mình, bằng cách, ví dụ như, kể một câu chuyện một chiều cho một nhà báo nào đó để được bênh vực. Còn thằng nhỏ thì sao? Nó chẳng thể làm được chuyện đó. Nó phải dựa vào gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình đã bảo vệ nó và nhà báo đã dè bỉu hành động của họ. Nhà trường chẳng bảo vệ nó, mà còn tấn công thêm và nhà báo đã đồng lõa với họ.

Nhà báo có thấy thương thằng nhỏ này không?

Nhà báo muốn bảo vệ cô giáo, nhưng người cần được bảo vệ là thằng nhỏ học trò. Nó bị đánh sưng miệng, trước hết là như vậy. Sau đó nó bị nhà trường cô lập, rồi cuối cùng nó "được" lên báo. Tương lai của nó rồi sẽ thế nào, khi mà trường nó học đối xử với nó như vậy? Khi mà những người lớn như nhà báo đáng ra phải bảo vệ nó thì lại hè nhau tấn công nó? Tâm lý của nó rồi sẽ ra sao? Nó có thể phát triển như những đứa trẻ bình thường khác được hay không? Phải rồi, sau này khi nó lớn lên, chẳng may trở thành đầu trộm đuôi cướp, người ta sẽ nói "thấy chưa, hồi nhỏ nó quậy lắm, lên báo Tuổi Trẻ luôn mà". Nhưng đâu có ai cho nó một cơ hội để trở thành người tử tế!?

Post a Comment

Previous Post Next Post

Labels Max-Results No.

Boxed(True/False)